Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn trong thời gian tới, sẽ tiếp tục có nhiều sự kiện văn hóa, thể thao thiết thực, có ý nghĩa giáo dục, lan tỏa được tổ chức.
Chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Báo Quân đội nhân dân phối hợp cùng Cục Thể dục thể thao (Bộ VHTTDL), Liên đoàn Xe đạp – Mô tô thể thao Việt Nam và các cơ quan, địa phương tổ chức Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ – 2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân”, từ ngày 1-5/5.
Trong thư gửi Ban chỉ đạo, Ban tổ chức và các đội đua, các VĐV, Thủ tướng Phạm Minh Chính viết: “Tôi được biết đây là sự kiện thi đấu thể thao truyền thống do Báo Quân đội nhân dân chủ trì tổ chức từ năm 2004 đến nay, trong dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào các năm chẵn đã được đánh giá cao về chuyên môn và ý nghĩa giáo dục, xã hội.
Tôi rất hoan nghênh việc tổ chức Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ 2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân” cũng như các sự kiện văn hoá, thể thao đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm “Thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định; đồng thời cũng để chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và địa phương trong năm 2024 (như 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, 115 năm Ngày thành lập tỉnh Điện Biên). Tôi chúc mừng cuộc đua, đặc biệt là 10 đội đua với 70 VĐV sẽ tham gia tranh tài với lộ trình đua từ Thủ đô Hà Nội tới thành phố Điện Biên Phủ lịch sử”.
Thủ tướng cũng tin tưởng, Cuộc đua không chỉ có ý nghĩa về mặt chuyên môn đối với các đội đua, VĐV mà còn góp phần động viên phong trào rèn luyện thể dục, thể thao trong nhân dân ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng. Đồng thời đây cũng là hoạt động có ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc khi hướng về nơi đã làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, thể hiện sự tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh và biết bao người có công đã cống hiến to lớn cho thắng lợi vĩ đại này.
Thủ tướng cũng hoan nghênh việc tổ chức các hoạt động trong quá trình diễn ra cuộc đua như thăm hỏi, tặng quà, công trình nhà vệ sinh, nhà tình nghĩa… đối với các đối tượng chính sách, trường học trong đó có nhiều cựu chiến binh, thương, bệnh binh đã từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
“Từng chặng đua trong lộ trình cuộc đua và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa giúp chúng ta ôn lại truyền thống hào hùng của những ngày tháng đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc; qua đó thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và ý chí, nguyện vọng của thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay, phát huy truyền thống của dân tộc anh hùng, Quân đội anh hùng, quyết tâm xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đại tá Ngô Anh Thu – Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân Việt Nam – Phó trưởng ban thường trực – Tổng chỉ huy Cuộc đua cho biết, ở lần thứ 5 tổ chức này cuộc đua càng thêm ý nghĩa đặc biệt vì đây là thời điểm cả nước tưng bừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Vì thế Cuộc đua cũng có những con số ấn tượng gắn với ý nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ như sẽ có 70 cua rơ của 10 đội đua mạnh nhất nước gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quân khu 7, An Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Long, Thanh Hóa, Hòa Bình tham gia tranh tài.
Các tay đua tranh tài tổng lộ trình 525 km, từ thủ đô Hà Nội tới thành phố Điện Biên Phủ. Mỗi chặng đua là một chương hồi ôn lại truyền thống hào hùng của chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” này.
Cụ thể 5 chặng đua sẽ gắn với các chủ đề như sau: Chặng 1: “Thăng Long – nghìn năm văn hiến” với cự ly 40,8km, vòng quanh hồ Hoàn Kiếm. Chặng 2: “Toàn quân xuất kích” với cự ly 132 km, từ Hà Nội đi Mai Châu (Hòa Bình). Chặng 3: “Mở đường vào Tây Bắc” với cự ly 136 km, từ huyện Vân Hồ (Sơn La) đi TP Sơn La.
Chặng 4: “Tiến vào Mường Thanh” với cự ly 157 km, từ TP Sơn La đi TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên). Chặng 5: “Bài ca chiến thắng” với cự ly 40,8 km, quanh TP Điện Biên Phủ. Kết thúc cuộc đua, Ban tổ chức trao thưởng cho cá nhân và đồng đội.
Trong Cuộc đua, nhiều hoạt động an sinh xã hội, tri ân sẽ được Ban tổ chức phối hợp cùng các nhà tài trợ, chính quyền địa phương thực hiện cho các hoạt động chính sách “đền ơn, đáp nghĩa” bao gồm 12 căn nhà tình nghĩa (2 nhà tại Điện Biên trị giá 80.000.000 đồng/nhà và 10 nhà tại Nghệ An trị giá 50.000.000 đồng/nhà); xây dựng 1 điểm trường trị giá khoảng 6,5 tỷ đồng tại Điện Biên.
Cùng với đó Ban tổ chức sẽ trao tặng 30 công trình vệ sinh cho các điểm trường trị giá 60 triệu đồng/công trình tại Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu; tặng quà cho các đối tượng chính sách tại Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La mỗi tỉnh, thành 20 suất; 200 suất quà tặng các gia đình chính sách ở TP Điện Biên Phủ, trị giá 500.000 đồng/suất và 127 suất quà tặng cho cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đang sống tại tỉnh Điện Biên, mỗi suất 2 triệu đồng. Dự kiến tổng kinh phí khoảng 9,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ban tổ chức Cuộc đua còn tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về Điện Biên Phủ bằng hình thức trắc nghiệm trên Báo Quân đội nhân dân, Cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc Cuộc đua” trên nền tảng mạng Facebook và Báo Quân đội nhân dân; Trưng bày ảnh về các lần tổ chức Cuộc đua và ảnh của phóng viên tác nghiệp tại chiến trường Điện Biên Phủ.